Ads Here

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Thị trường bất động sản Đà Nẵng "đóng băng" trong dịch COVID-19

Chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng dịch COVID-19 đợt 1, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng đang tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 đợt 2. Những ngày qua, thị trường bất động sản ở địa phương này gần như tê liệt, không có giao dịch.

Anh Mạnh Phúc, Văn phòng giao dịch DaNangLand (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường bất động sản gần như đóng băng. Các giao dịch bất động sản ngưng toàn bộ, các diễn đàn cũng chỉ đăng ký chứ lượng tương tác là không có.

Anh Phúc cũng cho rằng, hiện nay Đà Nẵng đang áp dụng biện pháp cách ly xã hội, những hoạt động kinh doanh không cần thiết sẽ không được hoạt động, nên nhiều văn phòng giao dịch đóng cửa để phòng chống dịch. 

Theo báo cáo thị trường tháng 7/2020 của Batdongsan.com.vn, dịch COVID-19 đang khiến nhu cầu quan tâm bất động sản tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước sụt giảm. Trong đó mức giảm mạnh nhất là tại Đà Nẵng.

Tính riêng tháng 7, nhu cầu tìm kiếm nhà đất tại Đà Nẵng giảm gần 20%. Trong đó, căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng là hai loại hình có nhu cầu tìm kiếm và lượng giao dịch giảm sút nhiều nhất.  

Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng tiếp tục rơi vào trạng thái “ngủ đông”, các chỉ số về nguồn cung, nhu cầu, tỷ lệ giao dịch đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho thấy, thị trường nhà ở Đà Nẵng chứng kiến sự sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc do tác động của dịch bệnh. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Hai phân đất nền và căn hộ cũng phải gồng mình gánh chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh. 

Đối với phân khúc đất nền, theo DKRA giá bán sơ cấp và thứ cấp giảm mạnh. Nguồn cung mới trong 7 tháng đầu năm 2020 có 1 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 131 nền, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 69% (90 nền). 

Phân khúc căn hộ, trong 7 tháng đầu năm 2020, thị trường căn hộ đón nhận 3 dự án mở bán, cung cấp khoảng 156 căn, bằng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 486 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 42%, tương đương 65 căn, chỉ bằng 38% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 171 căn). Nguồn cung thị trường khan hiếm. 

Phân khúc nhà phố, biệt thự, theo DKRA, toàn thị trường nhà phố và biệt thự TP. Đà Nẵng không ghi nhận dự án mới mở bán trong 7 tháng đầu năm 2020, nguồn cung sơ cấp chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó. Mức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp, xu hướng giảm kéo dài từ giữa năm 2019 đến nay. 

Giao dịch thứ cấp kém sôi động, thị trường có dấu hiệu giảm giá sơ cấp và thứ cấp ở một số dự án. Các chủ đầu tư điều chỉnh giảm nhẹ giá bán hoặc triển khai các gói hỗ trợ hấp dẫn nhằm kích cầu trong bối cảnh thị trường trầm lắng.

Phân khúc shophouse gặp nhiều bất lợi trước tình hình sụt giảm lượng khách du lịch cũng như nhu cầu thuê mặt bằng chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. 

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, Condotel sức tiêu thụ thấp nhất trong 5 năm qua. Sức tiêu thụ chung toàn thị trường ở mức rất thấp. Theo báo cáo của DKRA, sau sự cố vỡ cam kết lợi nhuận ở một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng và ảnh hưởng kép từ dịch COVID-19, thị trường gần như không có giao dịch. Toàn thị trường trong 7 tháng đầu năm 2020 chỉ tiêu thụ được khoảng 233 căn condotel, đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Trong khi đó, phân khúc biệt thự biển cũng tương tự khi sức mua chung của thị trường rất thấp, đồng thời trong 7 tháng đầu năm 2020, khu vực Đà Nẵng không ghi nhận dự án mới mở bán. 

Theo dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới ở phân khúc đất nền có thể tăng nhẹ trong giai đoạn cuối năm 2020. Sức tiêu thụ của thị trường có thể cải thiện, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Giá bán có thể tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm 2020. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm này đang là cơ hội "vàng" để nhà đầu tư “bắt đáy” thị trường. 

“Dịch COVID-19 là cú bồi làm khó thêm cho thị trường bất động sản Đà Nẵng vốn đã gặp nhiều khó khăn từ trước đó. Khủng hoảng này đã làm suy yếu một phần thị trường. Những chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính dễ bị hụt hơi, để kéo dài có thể bị phá sản nên buộc phải tìm nhà đầu tư khác để chuyển nhượng. Từ đó, giá cả sẽ hợp lý hơn hoặc rất rẻ”, ông Đính cho hay.

Ông Đính cũng cho rằng, các dự án bất động sản đã hoàn thành trước đó có giá bán cao thì nay chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 sẽ phải điều chỉnh giá bán giảm. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư nhỏ lẻ có cơ hội mua được sản phẩm phù hợp mà giá tốt hơn.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét