Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đang tái khởi động, sàn giao dịch rục rịch mở cửa trở lại, tung chiêu thu hút khách hàng.

Tìm cơ hội kinh doanh mới

Thị trường BĐS cả nước bị đình trệ suốt 2 tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy trong quý I/2020 tỉ lệ hấp thụ trên thị trường chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Kết quả là 80% sàn giao dịch đóng cửa, hàng ngàn nhân sự ngành BĐS bỏ nghề và nhiều DN thua lỗ.

Tuy vậy, thời gian gần đây, dịch bệnh được kiểm soát tốt, nới lỏng dần giãn cách xã hội, nhiều DN địa ốc đã bắt đầu khởi động lại, tìm cơ hội kinh doanh trong thời kỳ mới.

Tổng giám đốc một DN môi giới BĐS lớn có trụ sở ở TP HCM cho biết công ty đã chuẩn bị một lực lượng nhân sự ổn định để triển khai các dự án sắp sửa bung ra ở TP HCM, Bình Dương, cũng như các dự án BĐS nghỉ dưỡng, nhà ở tại các tỉnh xa hơn. Chủ đầu tư một dự án BĐS lớn tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) cũng đang khẩn trương chuẩn bị các thủ tục cần thiết để công bố dự án và bán hàng ra thị trường trong vài tuần tới. Trước đó, công ty dự định mở bán sau Tết nhưng do dịch bệnh phải tạm dừng cho đến nay.

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, cho hay công ty đang áp dụng chính sách thanh toán linh hoạt để thu hút khách hàng sau những ngày giãn cách xã hội. Theo đó, người mua nhà của Đại Phúc Land chỉ cần thanh toán 25% giá trị căn hộ rồi ký hợp đồng mua bán thay vì 30% như trước. Sau 24 tháng sẽ trả tiếp phần còn lại thay vì thanh toán theo tiến độ xây dựng như trước. Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh quyết định dành tặng 100 tỉ đồng cho tất cả khách hàng đã mua sản phẩm căn hộ do Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Khách hàng thanh toán theo tiến độ phát sinh trong thời gian này sẽ được tặng khoản tiền mặt tương đương 5%/tổng số tiền.

Một công ty BĐS ở Long An cũng tung ra chương trình hỗ trợ "Trợ giá mua nhà mùa Covid-19". Theo đó, sẽ chiết khấu 50% với tất cả sản phẩm nhà ở thuộc dự án của công ty. Đồng thời cho khách hàng chọn hình thức trả góp trong vòng 5 năm hoặc 10 năm để giảm áp lực tài chính.

Phải nỗ lực rất lớn

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hương, vấn đề khúc mắc là nguồn cung các sản phẩm nhà đất trên thị trường vẫn đang khan hiếm nên rất cần Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) và cơ quan ban ngành thúc đẩy gỡ vướng về các dự án bị chậm thủ tục nhằm tăng nguồn cung cho thị trường sau đại dịch.

Theo bà Hương, các chủ đầu tư cũng cần xây dựng chính sách bán hàng đặc biệt dành cho khách hàng và chi phí bán hàng dành cho hệ thống phân phối. Tổ chức giới thiệu dự án dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để mua bán sáp nhập dự án hoặc một phần dự án; cho các hệ thống môi giới kèm theo các chương trình liên kết bán hàng hấp dẫn. Và cuối cùng là giới thiệu dự án cho người có nhu cầu mua nhà, mua đất với các gói ưu đãi cực tốt và chính sách giá cả hợp lý.

"Dự kiến cuối quý II, dịch bệnh sẽ có hy vọng được kiểm soát, tức chỉ còn lại 6 tháng cuối năm để vực dậy tình hình. Trong giai đoạn chạy nước rút này, các DN phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp ba mới có cơ hội đạt 50%-70% kế hoạch. Nếu làm tốt, thị trường sẽ có cơ hội hồi phục và tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo. Sự cộng hưởng các nguồn lực trong và ngoài nước là rất quan trọng trong chiến dịch lần này" - bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, để vực dậy thị trường BĐS sau đại dịch, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đề nghị các ngân hàng giảm mạnh lãi vay đến 30%-50% trong 12 tháng cho các DN trong ngành, đồng thời giãn tiến độ trả lãi vay, nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Ông cũng kiến nghị hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30%-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả nợ gốc và lãi.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần tạo điều kiện tối đa cho các DN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để bảo đảm cho khoản vay với các DN được tổ chức tín dụng thẩm định là đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ.